TÀI KHOẢN VỆ TINH DU LỊCH

Bảng 5 Tài khoản vệ tinh du lịch: Tổng giá trị sản xuất của các ngành thuộc du lịch và các ngành liên quan khác
Cập nhật: 24/01/2024
(TITC) - Tài khoản sản xuất về du lịch là cơ sở để tính các chỉ tiêu giá trị sản xuất và giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của từng ngành cũng như chung các ngành thuộc lĩnh vực du lịch và các ngành khác liên quan; làm cơ sở cho việc xác định vai trò đóng góp của hoạt động du lịch trong việc tạo ra tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Tràng An (Ảnh: Chuyên trang du lịch Travel Off Path của Mỹ)

Tài khoản sản xuất của các ngành thuộc du lịch và các ngành khác liên quan đến du lịch (viết gọn là tài khoản sản xuất về hoạt động du lịch) phản ảnh đặc điểm sản xuất của các ngành đặc thù của du lịch và các ngành khác (gồm các ngành có liên quan đến ngành du lịch). 

Tài khoản sản xuất về du lịch là cơ sở để lập tài khoản nguồn cung trong nước và nhu cầu tiêu dùng du lịch nội địa chia theo sản phẩm, xác định tỷ lệ cung trong nước đáp ứng bao nhiêu phần trăm so với tiêu dùng nội địa của từng loại sản phẩm cũng như chung các loại sản phẩm du lịch. Mặt khác tài khoản sản xuất về du lịch còn là cơ sở để lập nhiều tài khoản khác liên quan cũng như cung cấp thông tin để tính toán các chỉ tiêu thống kê du lịch. Đây là một trong những tài khoản quan trọng trong hệ thống các tài khoản của vệ tinh du lịch, được cấu trúc dưới dạng một bảng cân đối kép.

Bảng 5 đưa ra các tài khoản sản xuất của các ngành thuộc lĩnh vực du lịch và các ngành khác trong nền kinh tế. Bảng này tuân theo định dạng được thiết lập trong Tài khoản quốc gia (SNA) 2008: đầu ra được chia nhỏ theo sản phẩm, được định giá tại các mức giá gốc và chiếm một dãy hàng đầu tiên trong phần phía trên của bảng. Khi đó tiêu dùng trung gian (cũng được gọi là các đầu vào trung gian) được trình bày ở các mức giá của người mua. Sự khác biệt giữa hai giá trị này được gọi là tổng giá trị gia tăng (GVA) tại các mức giá gốc. Bảng này gắn với mỗi ngành như một tổng thể, và được chia nhỏ hơn gồm trả lương cho nhân viên, thuế sản xuất và các thuế khác, thu nhập hỗn hợp và khấu hao tài sản cố định, tổng thặng dư sản xuất.

Tuy nhiên cách nhìn này khác với các tài khoản sản xuất SNA vì nó tập trung vào việc cung cấp một công cụ cho phân tích du lịch. Điều này có nghĩa rằng các ngành và sản phẩm du lịch được nêu bật và gắn vào một khung chung phù hợp cho phân tích du lịch. Trong các cột, các tài khoản sản xuất của các ngành thuộc lĩnh vực du lịch được trình bày và gộp thành nhóm theo sự phân loại đã được đề xuất. Đầu ra được định giá theo các mức giá gốc, và việc đánh giá tuân theo chuẩn từ phía nhà cung cấp dịch vụ, thể hiện trong bảng cân đối liên ngành (Input-Output).

Bảng 5 TSA có cấu trúc như sau:

Phần trên của bảng phản ánh giá trị sản xuất của các ngành đó chia theo các sản phẩm như các bảng trên. Các giá trị này được tính theo giá cơ bản.

Phần tiếp theo phản ánh phần tiêu dùng trung gian (còn gọi là đầu vào) của các ngành được tính theo giá sử dụng cuối cùng.

Phần cuối của bảng là phần giá trị gia tăng theo giá cơ bản được tính bằng sự chênh lệch giữa giá trị sản xuất và tiêu dùng trung gian ở trên. Sau đó phần giá trị gia tăng này lại được phân theo: lương cho nhân viên, thuế sản xuất và các thuế khác, thu nhập hỗn hợp và khấu hao tài sản cố định, tổng thặng dư sản xuất.

Bảng 5 được xây dựng từ hệ thống số liệu trong Niên giám thống kê và Bảng cân đối liên ngành (Input-Output: I/O). Bảng I/O là mô hình phản ánh bức tranh về toàn bộ hoạt động sản xuất của nền kinh tế. Nó phản ánh mối quan hệ liên ngành/liên vùng trong quá trình sản xuất và sử dụng sản phẩm cho tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của toàn bộ nền kinh tế. Hơn nữa, bảng I/O còn cho biết để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm cuối cùng của một ngành/vùng thì cần bao nhiêu sản phẩm của ngành/vùng khác và ngược lại, ngành/vùng đó cung cấp bao nhiêu sản phẩm để sản xuất ra một đơn vị sản phẩm của ngành/vùng khác. Từ đó cho phép phân tích các mối quan hệ, đánh giá hiệu quả sản xuất, tính toán các chỉ tiêu tổng hợp khác phục vụ công tác quản lý kinh tế vĩ mô, phân tích và dự báo kinh tế. Bảng I/O phản ánh tỷ trọng giá trị của các nhóm ngành sản phẩm trong GDP; tỷ lệ này có thể được áp dụng trong giai đoạn 5 năm mà vẫn đảm bảo phù hợp thực tiễn. 

Trung tâm Thông tin du lịch