TÀI KHOẢN VỆ TINH DU LỊCH

Triển khai áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam
Cập nhật: 23/01/2024
(TITC) - Tài khoản vệ tinh du lịch với hệ thống bảng biểu và các chỉ tiêu thống kê phản ánh kết quả hoạt động của du lịch; tác động của du lịch đối với các ngành kinh tế khác; đóng góp của du lịch trong nền kinh tế quốc dân... có vai trò quan trọng cung cấp cơ sở khoa học phục vụ công tác hoạch định chính sách phát triển ngành Du lịch. Việc áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch ở Việt Nam càng có ý nghĩa và là một yêu cầu tất yếu trong bối cảnh du lịch được Đảng, Nhà nước xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Triển khai Tuyên bố Hội An tại Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC năm 2006 đưa ra cam kết quốc tế trong đó khuyến khích các nước thành viên áp dụng phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch và để đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác quản lý nhà nước, từ 2009, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, hình thành phương pháp luận về xây dựng hệ thống thống kê du lịch ở Việt Nam theo mô hình Tài khoản vệ tinh du lịch.

Từ đó, lộ trình áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam đã được Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai như: xây dựng hệ thống thống kê du lịch theo mô hình tài khoản vệ tinh du lịch; xây dựng hệ thống chế độ báo cáo thống kê định kỳ cho các đơn vị quản lý du lịch và cơ sở kinh doanh du lịch; định kỳ tổ chức điều tra khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, khách du lịch outbound với phương án điều tra được Tổng cục Thống kê phối hợp thẩm định.

Với sự phối hợp của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch và thống kê, trên cơ sở những dữ liệu đầu vào thu thập được, đến nay trong số 10 bảng tài khoản vệ tinh du lịch, ngành du lịch đã tính toán được 7/10 bảng, gồm các bảng 1, 2, 3, 4, 5, 6, 10 – trong đó có bảng 6 là bảng quan trọng nhất trong hệ thống tài khoản vệ tinh du lịch, cho phép đánh giá được tác động của du lịch đối với các ngành kinh tế khác và đóng góp của du lịch trong tổng sản phẩm quốc nội của nền kinh tế quốc dân. Đây là chỉ tiêu rất cụ thể và quan trọng để tính toán lộ trình, giải pháp phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Thuận lợi:

- Về phương pháp: theo hướng dẫn của Liên hợp quốc và vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn ở Việt Nam.

- Về nguồn số liệu: được thu thập và tính toán từ các nguồn chính thống như Niên giám thống kê, Bảng cân đối liên ngành (I/O), các cuộc điều tra của Tổng cục Thống kê và điều tra chuyên ngành của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

- Kết quả thu được: bảo đảm cơ sở khoa học, phù hợp với tình hình thực tiễn phát triển du lịch trong thời gian qua.

Khó khăn:

- Công tác thống kê trong lĩnh vực du lịch ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong thu thập, tổng hợp số liệu do phương pháp thống kê và việc thực hiện chế độ báo cáo chưa được quan tâm đúng mức, thiếu sự nhất quán, đồng bộ từ cấp cơ sở lên Trung ương.

- Nhân lực làm công tác thống kê du lịch ở Trung ương và địa phương còn mỏng, chủ yếu kiêm nhiệm, phần nhiều chưa được đào tạo chuyên sâu về thống kê và du lịch.

- Kinh phí cho các cuộc điều tra thống kê còn hạn chế dẫn đến thiếu thông tin cập nhật, phản ánh khách quan đặc điểm, xu hướng, chi tiêu du lịch.

- Cần tiếp tục nghiên cứu thu thập, tổng hợp bổ sung một số chỉ tiêu để phản ánh toàn diện hiệu quả của du lịch, ví dụ như: chi tiêu công cho du lịch; tác động của du lịch đối với tạo việc làm trong xã hội...

- Cần tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và chia sẻ dữ liệu chuyên ngành để có thể triển khai hiệu quả và toàn diện phương pháp thống kê Tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, nâng cao hiệu quả công tác thống kê du lịch và tiếp tục triển khai áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch sẽ là cơ sở để Đảng, Nhà nước và xã hội nhìn nhận về vai trò của du lịch trong nền kinh tế, từ đó có những quyết sách thúc đẩy phát triển du lịch, tạo điều kiện cho du lịch phát huy hết tiềm năng và vai trò là một ngành kinh tế tổng hợp có sức lan tỏa lớn, kéo theo các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Trung tâm Thông tin du lịch