TÀI KHOẢN VỆ TINH DU LỊCH

Tài khoản vệ tinh du lịch và mối quan hệ với hệ thống tài khoản quốc gia
Cập nhật: 23/01/2024
(TITC) - Tài khoản vệ tinh là một thuật ngữ do Liên Hiệp Quốc đưa ra để đo lường khu vực kinh tế không được định nghĩa là ngành độc lập trong hệ thống tài khoản quốc gia.

Du lịch được thừa nhận là một ngành kinh tế tổng hợp, có mối quan hệ tương tác gần như là với mọi ngành kinh tế khác và mọi thành phần xã hội. Để có thể đánh giá được vị trí, vai trò của du lịch trong nền kinh tế xã hội của mỗi quốc gia, người ta cần một công cụ đủ mạnh để bóc tách và tổng hợp các yếu tố có liên quan cũng như sự tác động qua lại của các yếu tố này với du lịch. Mặt khác, trước xu thế hội nhập diễn ra trên toàn cầu thì việc so sánh, đối chiếu số liệu giữa các nước là một yêu cầu đặc biệt quan trọng nên rất cần thiết phải có một hệ thống chỉ  tiêu,  phương  pháp  luận  thống nhất để tính  toán  các  giá  trị  của  hoạt  động  của các nền kinh tế (trong đó có du  lịch).

Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn đó, việc nghiên cứu về một công cụ đo lường thống nhất và toàn diện dành cho lĩnh vực du lịch đã được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) triển khai từ đầu những năm 1980. Kể từ khi chính thức xuất hiện, TSA đã nhanh chóng được nhiều quốc gia triển khai áp dụng và cũng không ngừng được bổ sung, nâng cấp, cải thiện.

Tháng 2 năm 2008, Ủy ban Thống kê Liên Hợp quốc đã thông qua Bản Khuyến nghị Quốc tế về Thống kê Du lịch (IRTS 2008) và yêu cầu UNWTO phát triển một chương trình triển khai để hỗ trợ việc thực hiện IRTS 2008. Chương trình này bao gồm cả việc chuẩn bị tài liệu hướng dẫn về thống kê du lịch. Những yêu cầu đối với thống kê du lịch về sự chặt chẽ (thống nhất khái niệm, định nghĩa và phân loại được áp dụng cho tất cả các thành phần liên quan) và nhất quán (phép đo lường liên quan tới mỗi thành phần phải đo đếm được để có thể được tích hợp trong một khung phân tích duy nhất) đã dẫn đến việc cập nhật nên bản TSA:RMF2008). Phiên bản này hiện nay đang được áp dụng về cơ bản được cập nhật từ  phiên bản đầu và có nhiều nội dung liên quan đến việc cập nhật về các hoạt động kinh tế vĩ mô, các kinh nghiệm thực hiện TSA của các nước thành viên. Phiên bản này mang lại những ích lợi sau:

  • Làm rõ sự khác nhau giữa chi tiêu du lịch và các khái niệm về tiêu dùng du lịch;
  • Các chuyên gia tham gia vào quá trình cập nhật các tiêu chuẩn quốc tế  đã thực hiện xong và đưa ra những cải tiến về  phân loại các hoạt động sản xuất và các sản phẩm đặc biệt quan trọng trong việc mô tả và phân tích ngành du lịch;
  • Có các bước tiến triển trong việc hiểu thêm những vấn đề liên quan đến việc làm trong ngành du lịch;
  • Tăng cường sự  hiểu biết về nghĩa và hữu dụng của các bảng biểu và tổng hợp du lịch.

Như vậy, có thể thấy rằng toàn bộ quá trình hình thành và phát triển trên thế giới của Tài khoản vệ tinh du lịch luôn gắn liền với Hệ thống Tài khoản quốc gia. Tài khoản vệ tinh du lịch phản ánh những ảnh hưởng đa dạng của du lịch thông qua cung cấp một khuôn khổ đa chiều du lịch trong Hệ thống tài khoản quốc gia. Nó có thể tách rời hoặc thông qua nguồn cầu và nguồn cung du lịch trong hệ thống tích hợp, mô tả các khía cạnh của sản xuất và nguồn cầu của toàn bộ nền kinh tế.

Ở góc độ ngược lại, SNA khuyến nghị về sự phát triển của Tài khoản vệ tinh trong việc đo lường các hiện tượng kinh tế không được hiển thị một cách rõ ràng trong các tập cốt lõi của các tài khoản này. Chính vì vậy, TSA sẽ được phát triển cho việc nghiên cứu rõ ràng của ngành và sản phẩm liên quan đến lĩnh vực du lịch. Một bản TSA gồm:

  • Công cụ thống kê thường dùng đo lường đóng góp ngành du lịch trong nền kinh tế theo tiêu chuẩn quốc tế về các khái niệm, phân loại và định nghĩa, cho phép khả năng so sánh có giá trị với các ngành khác, giữa các nước với nhau hoặc giữa các nhóm nước.
  • Phân tích các khía cạnh của nguồn cầu hàng hóa và dịch vụ gắn kết với du lịch trong nền kinh tế, nhằm quan sát các mối liên kết hoạt động với nguồn cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong nền kinh tế và mô tả cách thức tương tác nguồn cung này với các hoạt động kinh tế khác.

Cấu trúc cơ bản của TSA dựa vào mối liên hệ chung tồn tại trong nền kinh tế giữa nguồn cầu về hàng hóa và dịch vụ bắt nguồn từ du lịch và nguồn cung, từ đó cung cấp khuôn khổ phân tích các vấn đề chính sách liên quan đến lĩnh vực du lịch cũng như xây dựng mẫu, phân tích tăng trưởng du lịch và đo lường năng suất.

TSA cung cấp phương pháp xác định tầm quan trọng của du lịch thông qua tổng sản phẩm trong nước, chi tiêu và việc làm sẽ có thể so sánh với việc đo lường tương tự từ SNA đối với toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. TSA Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015 cung cấp khung chặt chẽ bên trong mối liên hệ và phân tích thống kê kinh tế liên quan đến các hoạt động du lịch ở cả hai mặt cung - cầu. TSA Việt Nam được triển khai theo hướng dẫn của Tổ chức Du lịch Thế giới và áp dụng phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Trung tâm Thông tin du lịch