Tin tức - Sự kiện

Xu hướng du lịch Mê Công: Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với vai trò trung tâm trung chuyển khu vực, hàng không Việt Nam cạnh tranh với Thái Lan
Cập nhật: 12/10/2017
(TCDL) - Báo cáo “Xu hướng du lịch Mê Công – Chuyên đề ngành hàng không khu vực” đã được công bố ngày 10/10/2017 trong Hội thảo về Xu hướng phát triển ngành hàng không trong Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS) diễn ra tại Băng Cốc, Thái Lan.

Trong báo cáo, Việt Nam nổi lên là điểm nhấn với thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội trở thành 2 trong 4 trung tâm, cửa ngõ chính của khu vực. Vietnam Airlines và VietJet Air đang cạnh tranh mạnh mẽ với các hãng hàng không Thái Lan tại thị trường khu vực. Bài viết này giới thiệu, phân tích một số nội dung chính của báo cáo nêu trên.

1. Khái quát thực trạng hàng không GMS: vai trò trung chuyển của Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và vị trí của Vietnam Airlines và VietJet Air trong khu vực

Ngành hàng không khu vực Tiểu vùng sông Mê Công mở rộng (GMS), gồm 6 nước Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc  (tỉnh Quảng Tây và Vân Nam) đang phát triển mạnh trong những năm qua. Hiện nay đã có trên 100 sân bay trong Tiểu vùng, phục vụ trên 250 triệu lượt hành khách (năm 2015). Trong đó, 30 sân bay có các đường bay quốc tế, hơn 30 sân bay phục vụ trên 1 triệu lượt hành khách mỗi năm.

Đáng lưu ý, có 4 sân bay có thể được coi là trung tâm trung chuyển khách, là cửa ngõ đối với khu vực, kết nối với các trung tâm khác của thế giới, bao gồm Băng Cốc, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Côn Minh. Ngoài ra, báo cáo cũng nhấn mạnh 3 hãng hàng không quốc gia tham gia các liên minh toàn cầu là Thai Airways, Vietnam Airlines và China Eastern Airlines; 2 hãng hàng không giá rẻ có vai trò chi phối thị trường trong khu vực là Thai AirAsia và VietJet Air; 2 hãng hàng không hoạt động trong cấp độ nội khu vực là Bangkok Airways và Sichuan Airlines.

Thảo luận tại Hội thảo, theo ông Joseph Cusmano, đại diện Oman Air tại Thái Lan, 10 năm trước đây Băng Cốc là trung tâm trung chuyển duy nhất trong khu vực nhưng đến nay thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cùng vươn lên thành các trung tâm kết nối với các điểm đến từ các châu lục khác. Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch Việt Nam nhấn mạnh sự vươn lên của các điểm đến phụ cận, nhất là tại Việt Nam như Phú Quốc, Hải Phòng, Ninh Bình, Bình Định… cùng các trung tâm mới khác như Đà Nẵng, Nha Trang, đồng thời nhấn mạnh vai trò của các hãng hàng không giá rẻ, nhất là sự vươn lên mạnh mẽ của Vietjet Air trong khu vực.

Ông Chattan Kungjara Na Ayudhya, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Du lịch Thái Lan (TAT) cho biết trước đây Cục Xúc tiến du lịch Thái Lan chủ yếu hợp tác với các hãng hàng không quốc gia nhưng hiện nay sự hợp tác mở rộng đến cả các hãng hàng không giá rẻ do vai trò quan trọng của các hãng này. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều dự báo về sự phát triển mạnh mẽ của ngành hàng không trong khu vực trong thời gian tới.

2. Hàng không Thái Lan và Việt Nam cạnh tranh phát triển mạnh mẽ

Tổng năng lực vận chuyển hàng không trong GMS đạt 9,81 triệu ghế vào tháng 7/2016, trong đó Thái Lan chiếm 41,5% số ghế. Tuy nhiên, thị phần của Thái Lan đã giảm 3 điểm phần trăm trong năm 2016 do mức tăng vọt về số lượng ghế của các hãng hàng không Việt Nam, nhất là Vietjet Air. Giai đoạn 7/2015 - 7/2016, tổng số ghế của Việt Nam tăng 35%, thị phần năng lực vận chuyển trong khu vực đạt 37,7%, tăng 5,4 điểm phần trăm.

Vietnam Airlines đang ngày càng phát triển mạnh mẽ nhờ nhu cầu đi du lịch nội địa và quốc tế tăng cao của tầng lớp trung lưu Việt Nam và sự bùng nổ của khách du lịch quốc tế đến. Năm 2015, Vietnam Airlines phục vụ 17,4 triệu hành khách, tăng 11% so với năm 2014, trong đó có 6 triệu trong khu vực Đông Nam Á. Hãng thực hiện 127.500 chuyến bay trong năm 2015, tăng 3,5% so với năm 2014, tỷ lệ ghế được lấp đầy là 80%.

Vietnam Airlines hiện nay cạnh tranh mạnh mẽ với Thai Airways trong khu vực. Năm 2016, Vietnam Airlines vận chuyển 20,6 triệu hành khách, trở thành hãng hàng không lớn nhất trong thị trường khu vực xét về tổng số lượng hành khách (không tính các hãng hàng không chính của Trung Quốc), so với 18,7 triệu lượt của Thai Airways. Theo báo cáo, Vietnam Airlines vận hành 95 tuyến đến 21 điểm trong nước và 29 điểm quốc tế với hơn 360 chuyến bay mỗi ngày; có 89 tàu bay bao gồm các tàu thế hệ mới như Airbus 350 (14 tàu) và Boeing 787 – Dreamliners (19 tàu).

Vietnam Airlines hiện nay đang khai thác tối đa lợi ích của bầu trời “mở”. Hãng đa dạng hóa các liên kết và hình thức kinh doanh, liên doanh với Cam-pu-chia thành lập hãng hàng không quốc gia Cambodia Angkor Air (49% cổ phần) và tham gia vào thị trường hàng không giá rẻ thông qua 70% cổ phần trong Jetstar Pacific. Vietnam Airlines cũng là hãng đầu tiên khai thác “Tuyến hàng không Đông Dương”, kết nối Hà Nội với thành phố Hồ Chí Minh qua Xiêm Riệp, hoặc Phnôm Pênh, hoặc Viêng Chăn.

Vietjet Air là hãng hàng không giá rẻ bắt đầu hoạt động năm 2011 nhưng đến năm 2015 đã vận chuyển trên 10 triệu lượt hành khách, tăng từ 6 triệu năm 2014. Năm 2016, lượng khách vận chuyển đã đạt 15 triệu lượt (tăng 50%) với 42 tàu bay Airbus A320, gần bằng so với Thai AirAsia. Đến năm 2015, sự phát triển của Vietjet mới chủ yếu dựa vào nhu cầu đi lại nội địa giá rẻ. Đến nay, hãng đã mở rộng ra toàn khu vực GMS và ASEAN. Với liên doanh Thai Vietjet, Vietjet Air đã có thể bay nội địa Thái Lan và kết nối các điểm đến giữa Thái Lan và Việt Nam.

3. Tác động của Hiệp định mở cửa bầu trời: mở rộng kết nối giữa các điểm đến phụ cận, thị trường nguồn Trung Quốc và sự phát triển của hàng không giá rẻ

Hiệp định mở cửa bầu trời ASEAN đã được thực hiện đầy đủ sau khi In-đô-nê-xi-a và Lào phê chuẩn các quy định về thị trường hàng không chung ASEAN vào tháng 4/2016. Hiệp định này cho phép các hãng hàng không mở đường bay đến các sân bay trong khu vực.

a) Mở rộng kết nối giữa các điểm đến phụ cận: Năm 2016 và đầu năm 2017, nhiều hãng hàng không đã mở đường bay kết nối thành phố Hồ Chí Minh với Sihanoukville; Băng Cốc với Hải Phòng, Đà Nẵng và Phú Quốc; Phú Két với Xiêm Riệp. Đồng thời, các hãng hàng không đã có kế hoạch tiếp tục kết nối các điểm đến khác, bao gồm: Băng Cốc với Bagan, Khon Khen với các thành phố của Trung Quốc, Phnôm Pênh với Yangon.

Các điểm đến phụ cận cấp 2, cấp 3 đang hưởng lợi từ xu hướng kết nối hàng không ngày càng mở rộng. Các sân bay phát triển nhanh nhất về số lượng ghế máy bay kết nối trong giai đoạn 7/2015-7/2016 bao gồm: U-Tapao, Pattaya (tăng 214%), Phú Quốc (tăng 66%), Hải Phòng (tăng 60%), Nha Trang (tăng 49%) và Luang Prabang (tăng 39%). Năm 2017, sân bay Đồng Hới đã có chuyến bay quốc tế đầu tiên đi Chiang Mai (Thái Lan). Lào là nước được hưởng lợi nhiều nhất với việc tăng lượng ghế 28% trong khoảng thời gian 7/2015-7/2016.

b) Tăng cường kết nối Trung Quốc – ASEAN: Trung Quốc đã phê chuẩn Hiệp định mở cửa bầu trời với ASEAN năm 2010, mở ra cơ hội kết nối đường hàng không giữa các thành phố phụ cận của Trung Quốc đến ASEAN nói chung, GMS nói riêng. Đến tháng 7/2016, có hơn  70 tuyến kết nối Trung Quốc với Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma, Thái Lan và Việt Nam. Sân bay quốc tế Côn Minh, sân bay lớn thứ 7 ở Trung Quốc, lớn thứ 2 trong GMS (sau Băng Cốc) là trung tâm trung chuyển chính giữa Đông Nam Á và Trung Quốc, chiếm 60% tổng số ghế hàng không quốc tế giữa Trung Quốc và các điểm đến ASEAN.

c) Sự phát triển của hàng không giá rẻ: Giai đoạn 2007-2015, các hãng hàng không giá rẻ đã tăng từ 50 triệu ghế trong ASEAN, lên đến 200 triệu ghế. Cho đến gần đây, hãng hàng không lớn nhất về số ghế từ GMS đến các nước khác trong ASEAN là Thai AirAsia. Đến tháng 4/2016, Thai AirAsia cung cấp hơn 670.000 ghế mỗi tháng từ Băng Cốc đến các điểm đến ASEAN, so với 510.051 ghế mỗi tháng của Thai Airways từ Băng Cốc đến ASEAN và 457.321 ghế của Vietnam Airlines từ thành phố Hồ Chí Minh đến ASEAN (theo FlightmapsAnalytics, tháng 4/2016). Đến cuối năm 2016, con số của Vietnam Airlines đã vượt qua AirAsia.

Hiện nay, Thai AirAsia và Vietjet Air là hai hãng hàng không giá rẻ chính trong GMS. Các hãng khác bao gồm các hãng đặt trụ sở tại Băng Cốc có Nok Air, Thai Lion Air, Thai Vietjet; tại Mi-an-ma có Golden Myanmar Airways; tại Việt Nam có Jetstar Pacific. Tại Vân Nam và Quảng Tây, các hãng hàng không giá rẻ có mạng đường bay rộng lớn gồm Lucky Air và Spring Airlines.

4. Nhận định về một số tác động của xu hướng hàng không trong khu vực đối với ngành du lịch Việt Nam

Một là, kết nối giữa các điểm đến trong khu vực GMS ngày càng được mở rộng về quy mô và tăng về tần suất. Nhờ hoạt động mở rộng của hàng không giá rẻ, tần suất kết nối từ các trung tâm trung chuyển đến các trung tâm khác được tăng cường; từ các trung tâm đến các điểm đến phụ cận cấp 2, cấp 3 được mở rộng. Đặc biệt, kết nối giữa các điểm đến phụ cận cấp 2 như Đồng Hới – Chiang Mai vừa qua sẽ được mở rộng. Đây là cơ hội để GMS thực sự trở thành một điểm đến chung, trong đó kết nối giữa Việt Nam và Thái Lan là trụ cột chính với vai trò dẫn dắt của các hãng hàng không lớn nhất khu vực của 2 nước.

Hai là, các điểm đến trong GMS sẽ tiếp tục mở rộng và tăng cường kết nối với thị trường Trung Quốc và các thị trường nguồn khác của khu vực trong thời gian tới. Các hãng hàng không giá rẻ sẽ tiếp tục thúc đẩy xu hướng này. Đối với Việt Nam, do có vị trí thuận lợi khi cách hầu hết các thị trường nguồn lớn châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc…) khoảng 4 giờ bay, dự báo khi Vietjet Air mở rộng hoạt động sẽ tạo ra những tác động tích cực cho du lịch Việt Nam.

Ba là, vai trò của thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội ngày càng tăng trong ASEAN. Điều này có được do hoạt động của Vietnam Airlines, Vietjet Air và các hãng hàng không quốc tế khác ngày càng mở rộng; Việt Nam có ngày càng nhiều điểm đến phụ cận hấp dẫn du khách như Hải Phòng, Ninh Bình, Đồng Hới, Nha Trang, Bình Thuận, Lâm Đồng, Phú Quốc… chưa có nhiều đường bay trực tiếp đến các thị trường nguồn; khách du lịch Việt Nam đi quốc tế ngày càng tăng hầu hết qua 2 trung tâm này.

Bốn là, hiện nay các hãng hàng không quan tâm đến Việt Nam với vai trò là vừa là điểm đến hấp dẫn, đồng thời là thị trường nguồn quan trọng. Do vậy, các điểm đến Việt Nam một mặt tăng cường thu hút khách du lịch quốc tế, đồng thời cũng phải cạnh tranh với cả các điểm đến nước ngoài.

Năm là, sự phát triển quá nhanh có thể dẫn đến các hệ quả như các sân bay không đáp ứng kịp thực tế phát triển, du lịch đại chúng bùng nổ dẫn đến quá tải, tắc nghẽn tại một số điểm đến vào mùa cao điểm, các vấn đề như ô nhiễm, rác thải, vệ sinh môi trường, nhân lực… không bảo đảm đáp ứng sự phát triển quá nhanh. Ngoài ra, năng lực đối phó với những rủi ro, biến cố, khủng hoảng về môi trường kinh tế, chính trị, xã hội không đáp ứng được thực tế có thể tạo ra những tác động tiêu cực trong những thời điểm nhất định.

Tóm lại, Báo cáo “Xu hướng du lịch Mê Công – Chuyên đề ngành hàng không khu vực” đã cho thấy sự phát triển năng động, có nhiều điểm mới của ngành hàng không khu vực, gắn chặt chẽ với xu hướng phát triển thị trường du lịch trong những năm qua. Điểm nổi bật của Báo cáo là sự nổi lên của Việt Nam với vai trò trung chuyển trong khu vực của Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và sự phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh vị trí hàng đầu với Thái Lan của Vietnam Airlines và Vietjet Air trong vận chuyển hàng không khu vực. Thực trạng này về cơ bản tạo thuận lợi cho sự phát triển du lịch khu vực GMS đồng thời tạo ra những thách thức nhất định, chủ yếu từ việc phát triển quá nhanh, khó có sự điều tiết, kiểm soát chặt chẽ./.

Lê Tuấn Anh

Vụ Hợp tác quốc tế (TCDL)