Tin tức - Sự kiện

Du lịch thế giới tiếp tục tăng trưởng bền vững
Cập nhật: 26/04/2017
(TITC) - Những năm qua, ngành du lịch thế giới tiếp tục đà tăng trưởng bền vững, khẳng định vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm, thúc đẩy thương mại và đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng.

Khách quốc tế đi du lịch Việt Nam (Ảnh: TITC/Anh Dũng)

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), lượng khách du lịch quốc tế năm 2016 ước đạt 1,235 tỷ lượt, tăng 3,9% so với năm 2015. Đây là năm thứ 7 liên tiếp du lịch thế giới duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2009.

 

Xét theo khu vực, châu Âu là thị trường lớn nhất, đón 619,7 triệu lượt khách quốc tế đến năm 2016, chiếm hơn một nửa thị phần (50,2%). Tiếp theo là châu Á – Thái Bình Dương với 302,9 triệu lượt khách (24,5%), châu Mỹ với 200,9 triệu lượt (16,3%), châu Phi với 58,2 triệu lượt (4,7%) và Trung Đông với 53,6 triệu lượt (4,3%).

 

Về tăng trưởng khách du lịch quốc tế năm 2016, khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục dẫn đầu với mức tăng 8,4%, do nhu cầu tăng mạnh của các thị trường nguồn trong và ngoài khu vực. Sau 2 năm giảm liên tiếp, lượng khách quốc tế đến châu Phi năm 2016 phục hồi tăng trưởng trở lại (+8,1%). Châu Mỹ duy trì mức tăng trưởng 4,3%. Châu Âu tăng trưởng khách chậm lại với mức tăng 2% và Trung Đông giảm 4,1%.

 

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), năm 2016, tốp 5 thị trường nguồn có chi tiêu du lịch outbound cao, chiếm đến gần một nửa (47,5%) tổng chi tiêu du lịch outbound toàn cầu, bao gồm: Trung Quốc (21,2%), Mỹ (11,1%), Đức (6,4%), Vương quốc Anh (5,3%) và Pháp (3,5%). Đáng chú ý thị trường Trung Quốc chiếm tới trên 1/5 tổng chi tiêu du lịch outbound toàn cầu.

 

Biểu đồ: Chi tiêu du lịch outbound toàn cầu năm 2016, phân theo một số thị trường trọng điểm

(Nguồn: WTTC)

 

Theo dự báo của UNWTO, trong thời gian tới, du lịch tiếp tục tăng trưởng trên phạm vi toàn cầu. Đến năm 2030, lượng khách du lịch quốc tế đạt khoảng 1,8 tỷ lượt. Đông Nam Á được đánh giá sẽ trở thành một trong những khu vực thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế với 187 triệu lượt.

 

Tác động kinh tế của du lịch

 

Theo WTTC, năm 2016, du lịch và lữ hành toàn cầu đóng góp trực tiếp vào GDP hơn 2,3 nghìn tỷ USD (tương đương 3,1%) và trực tiếp tạo ra gần 109 triệu việc làm (chiếm 3,6% tổng việc làm trên toàn thế giới). Tính cả tác động gián tiếp và lan tỏa, năm 2016, tổng đóng góp của du lịch và lữ hành cho nền kinh tế toàn cầu lên đến hơn 7,6 nghìn tỷ USD (10,2%) và tổng đóng góp vào việc làm là hơn 292 triệu việc làm (chiếm 9,6%). Như vậy, cứ 10 việc làm (cả trực tiếp và gián tiếp) trên toàn cầu thì có một việc làm trong ngành du lịch.  

 

Năm 2016, giá trị xuất khẩu du lịch toàn cầu đạt hơn 1,4 nghìn tỷ USD, chiếm 6,6% tổng giá trị xuất khẩu và gần 30% tổng giá trị xuất khẩu dịch vụ của thế giới. Đầu tư du lịch và lữ hành là 806,5 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng đầu tư của toàn bộ nền kinh tế thế giới.

 

Đóng góp trực tiếp của du lịch vào GDP năm 2016 tăng trưởng cao hơn tăng trưởng kinh tế toàn cầu

 

Năm 2016, đóng góp trực tiếp của du lịch và lữ hành vào GDP đạt hơn 2,3 nghìn tỷ USD, tăng trưởng 3,1% so với năm 2015. Mức tăng này cao hơn so với mức tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu (2,5%); và cũng cao hơn mức tăng trưởng của các ngành như xây dựng, dịch vụ tài chính, sản xuất, bán buôn bán lẻ; chỉ thấp hơn mức tăng trưởng của ngành thông tin và truyền thông.

 

Biểu đồ: Tăng trưởng đóng góp của các ngành vào GDP, năm 2016 (%)

(Nguồn: WTTC)

 

Tốp 5 quốc gia dẫn đầu về đóng góp của du lịch và lữ hành vào GDP toàn cầu

 

Mỹ, Trung Quốc, Đức, Nhật và Vương quốc Anh là những quốc gia dẫn đầu có ngành du lịch và lữ hành đóng góp lớn vào GDP thế giới. Trong đó, đóng góp trực tiếp và tổng đóng góp của du lịch 5 quốc gia lần lượt là: Mỹ với đóng góp trực tiếp 503,7 tỷ USD (chiếm 21,84%) và tổng đóng góp 1.509,2 tỷ USD (19,82%); Trung Quốc với 275,2 tỷ USD (11,93%) và 1.000,7 tỷ USD (13,14%); Đức với 138,1 tỷ USD (5,99%) và 376,7 tỷ USD (4,95%); Nhật với 110,5 tỷ USD (4,79%) và 343,2 tỷ USD (4,51%); và Vương quốc Anh với 90 tỷ USD (3,9%) và 283,2 tỷ USD (3,72%).

 

Du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng

 

Năm 2016, du lịch Việt Nam đã ghi dấu ấn khi lần đầu tiên đón hơn 10 triệu lượt khách quốc tế (+26%) và cũng là lần đầu tiên lượng khách quốc tế đến tăng trên 2 triệu lượt trong một năm. Cùng với đó, ngành đã phục vụ 62 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 400 nghìn tỷ đồng.

 

Trong 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đón hơn 4,2 triệu lượt khách quốc tế (tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2016), liên tục đạt trên 1 triệu lượt khách mỗi tháng. Nếu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, du lịch Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu đón 11,5 triệu lượt khách trong năm 2017.

 

Đặc biệt, ngày 16/1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời, trong năm nay Quốc hội sẽ xem xét và thông qua Luật Du lịch (sửa đổi). Điều này sẽ tạo hành lang pháp lý thuận lợi và cơ hội cho du lịch Việt Nam phát triển mạnh trong thời kỳ mới.

 

Hồng Nhung (tổng hợp)